Responsive Ad

Báo động về tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại Việt Nam


Cứ dọn sạch rồi lại đầy rác, những con kênh và bãi biển ở Việt Nam đang bị “bức tử”. Bất chấp sự thật đó, mỗi ngày chúng ta vẫn thải ra môi trường 1,2kg rác, gây những hiểm hoạ ảnh hưởng đến thế hệ trẻ em mai sau vì ô nhiễm nguồn nước và không khí.


THỰC TRẠNG Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC HIỆN NAY TẠI VIỆT NAM

Theo Unicef, tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới đặc biệt tại các nước đang phát triển như ở miền Nam sa mạc Sahara, Đông Nam Á và Mỹ Latinh. Kể từ năm 2016, các tổ chức môi trường quốc tế đã báo động Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đang đứng TOP 5 những quốc gia có lượng rác thải đổ ra biển nhiều nhất thế giới.

Có một thực trạng rất đáng buồn ở Việt Nam là hành động xả thải ra sông hồ và biển cả đã trở thành hình ảnh quá quen thuộc với người dân. Các hình thức chế tài, nhắc nhở và phạt hành chính đều trở nên quá nhẹ nhàng, không có tính răn đe đối với những trường hợp vi phạm. Việc dòng sông Thị Vải bị “bức tử” bởi hóa chất thải ra từ nhà máy Vedan 14 năm liền luôn là nỗi trăn trở của những người yêu môi trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau con sông Thị Vải, hàng năm nước ta vẫn chứng kiến nhiều con sông và vùng biển khác chịu thảm cảnh tương tự.


Vài năm trở lại đây, viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường báo cáo có đến hơn 17 triệu người tại Việt Nam chưa được tiếp cận với nước sạch. Những người dân này phải chấp nhận sống chung với nguồn nước ngầm, nước mưa, nước từ nhà máy lọc không an toàn. Chưa dừng lại tại đó, cứ mỗi năm các tổ chức môi trường quốc tế và trong nước vẫn tiếp tục đưa ra những con số rất đáng lo ngại về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở nước ta:

  • Khoảng 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước và vệ sinh kém (theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên & Môi trường)
  • Khoảng 20.000 người mắc bệnh ung thư mới phát hiện mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước (theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên & Môi trường)
  • 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻm em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tại Việt Nam do thiếu nước sạch và vệ sinh kém (theo WHO)
  • Khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen (theo báo cáo của Bộ Tài nguyên & Môi trường)
  • 19.000 tấn rác nhựa thải ra môi trường mỗi ngày, trong đó trung bình mỗi người trong số chúng ta đóng góp đến 1,2kg rác/ngày (theo TS Quách Thị Xuân – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển bền vững Đà Nẵng)


Bất chấp những con số báo động đỏ này vẫn có đến 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của nước sạch.


HẬU QUẢ CỦA KHAN HIẾM NƯỚC SẠCH VÀ Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC

Chúng ta biết rằng 70% khối lượng cơ thể con người là nước. Con người cần nước và đặc biệt là nước sạch để duy trì thể trạng bình ổn. Với việc xâm hại môi trường một cách vô ý hay cố tình, chính con người là tác nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường và nguồn nước đến mức báo động đỏ như hiện nay. Phụ nữ và trẻ em luôn là hai đối tượng chịu hậu quả nặng nề do ô nhiễm môi trường, nguồn nước và không khí.

SUY GIẢM HỆ MIỄN DỊCH

Asen, Flo và phèn là các chất thường có trong những nguồn nước chưa qua xử lý lọc. Tất cả các chất này nếu thâm nhập vào cơ thể người trong thời gian lâu dài, đặc biệt là thể trạng của trẻ em, sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến thần kinh, sắc tối da, các bệnh đường ruột, tim mạch hay dẫn đến ung thư. Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, trẻ em sinh sống tại vùng có nguồn nước bị nhiễm Flo thường có IQ thấp hơn so với trẻ em cùng lứa sinh sống tại những vùng khác.


Nằm ngay tại trung tâm TP.HCM, kênh Tàu Hủ chảy qua các quận 1, 4, 5, 6, 8 là ví dụ điển hình về thực trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trầm trọng đến mức nào. Người dân cho biết, chỉ cần bước vào nước của con kênh là da đã bị ngứa ngáy khó chịu.

DÂN TRÍ ĐI LÙI

Ở một số tỉnh không được tiếp cận với nước sạch và kinh tế chưa phát triển, việc dành thời gian để mưu sinh, tìm và lọc nước khiến đa phần trẻ em và phụ nữ nơi đây không có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức khác về xã hội, môi trường và kinh tế. Đây cũng chính là lý do khiến họ không nhận thức được sự nguy hiểm do nguồn nước bẩn mang lại; và trên hết là không ý thức được những hành động đang gây ô nhiễm môi trường của chính bản thân.

Tại Mũi Né, nhiều bãi biển đã ngập chìm trong rác. Khách du lịch trong nước lẫn nước ngoài từng nhiều lần tự nguyện đến đây để thu, dọn nhưng tình trạng rác thải vẫn không cải thiện. Một số người dân sống xung quanh khu vực rác thải ở Tuy Phong cũng vẫn thản nhiên đổ rác ra biển… cho tiện. Trong số đó, không ít người nghĩ rằng chỉ cần đổ rác ra biển là nước biển sẽ cuốn đi. Chính vì suy nghĩ này, bãi biển tại Tuy Phong đã bị trải dài hàng cây số toàn là rác bao nhiêu năm nay.


Tương lai của Việt Nam sẽ rất khó đi xa nếu để thế hệ tương lai phải chứng kiến những cảnh này mỗi ngày không có được nền giáo dục đúng đắn từ phía gia đình.

ĐÓI NGHÈO LÀ HỆ QUẢ TẤT YẾU

Nước bẩn không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn cả chất lượng cuộc sống. Vào mùa khô hoặc những đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng, người dân tại các tỉnh ven biển miền Tây và Nam Trung Bộ phải xây bể chứa nước mưa và mua nước sinh hoạt với giá 40.000 đến 60.000 đồng 1m3. Với số tiền này, những hộ nghèo đã có thể mua được vài ba quyển sách giáo khoa cho con em đến trường.

Chúng ta rồi sẽ già đi, nhưng các bạn không thể để cho thế hệ tương lai chịu hậu quả do chúng ta gây ra. Đừng để trẻ em phải đánh đổi tương lai lấy nước sạch. Hãy cùng chung tay với ROTO Việt Nam bảo vệ môi trường và nguồn nước sạch. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét